Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong cụm công nghiệp làng nghề

Thôn Xuân Lai – xã Xuân Lai là một trong những làng nghề phát triển sôi động của huyện Gia Bình. Toàn thôn có khoảng 250 hộ gia đình làm nghề tre trúc và gần 500 hộ sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, may gia công. Do tính chất của làng nghề trong quá trình sản xuất đa số sử dụng những nguyên liệu sản phẩm dễ cháy như: tre, nứa, vải, nilon và các xưởng xen lẫn nhà ở của dân, tất cả san sát nhau dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Chính vì vậy, vẫn đề phòng cháy chữa cháy tại làng nghề Xuân Lai đang được các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Được biết, tháng 11/2019, tại xưởng sản xuất đồ nội thất tre trúc Tú Lan trên đường Kênh Bắc – thôn Xuân Lai đã xảy ra hỏa hoạn, làm hỏng toàn bộ máy móc và thiêu rụi nguyên vật liệu của khu xưởng rộng gần 300 m2. Cùng với đó, ngọn lửa bén sang ngôi nhà 2 tầng của vợ chồng anh Lê Thanh Tùng kinh doanh quán internet ở bên cạnh làm cháy đồ đạc 2 phòng ngủ ở tầng 2 và nội thất, các máy tính ở tầng 1 của căn nhà; tổng thiệt hại ước tính gần 3 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy là do công nhân của xưởng khi tan làm đã không đậy kín lò hun uốn trúc, trong điều kiện thời tiết hanh khô tàn than bay ra đã gây cháy. Vụ thứ 2 là : trưa ngày 6/5/2022, xảy ra vụ cháy xưởng khẩu trang của gia đình anh Lê Đình Dục, đám cháy lan sang cả 3 hộ liền kề và các xưởng sản xuất, tổng diện tích hơn 1.000m2; ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do hở khí gas khi đun nấu, khiến ngọn lửa bùng lên, bắt vào nguyên vật liệu như vải, dây chun… Hai vụ hỏa hoạn này là hồi chuông cảnh tỉnh cho các hộ làm nghề, sản xuất của thôn Xuân Lai nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung, cần đặc biệt chú ý đến công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh.

Trước nguy cơ cháy nổ cao, để nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất trong làng nghề, xã Xuân Lai đã xây dựng mô hình “Làng nghề an toàn phòng cháy chữa cháy”. Việc triển khai mô hình nhằm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCC và cứu nạn cứu hộ là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ, góp phần đẩy nhanh xã hội hoá công tác PCCC và xây dựng phong trào “ Toàn dân tham gia PCCC”. Ông Nguyễn Văn Huyên – thợ làm tre trúc ở thôn Xuân Lai chia sẻ: “Từ thực tế sản xuất và rút kinh nghiệm qua một số vụ cháy thì chúng tôi cũng ý thức được việc cẩn thận trong từng bước. Do đặc thù làm nghề phải có lò than và tre trúc là vật liệu dễ cháy nên sau mỗi ca làm việc chúng tôi đều kiểm tra kỹ hệ thống lò, đường dây điện để chắc chắn độ an toàn”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với làng nghề Xuân Lai đã có những chuyển biến rõ rệt, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Tuy nhiên công tác phòng cháy chữa cháy ở Xuân Lai vẫn cần chú trọng hơn nữa. Ví như cần đầy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân có định hướng quy hoạch về hạ tầng, đảm bảo giao thông nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy  cho làng nghề. Hơn lúc nào hết, để công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy  tại làng nghề phát huy hiệu quả vẫn cần sự chủ động và ý thức cảnh giác của người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làng nghề và mỗi người dân. Có như vậy mới có thể hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ để góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

 Ông Nguyễn Văn Xoa – đại diện chính quyền thôn Xuân Lai cho biết: “Chính quyền thôn xác định để làng nghề phát triển được bền vững thì công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cần được đặc biệt quan tâm. Mô hình “Làng nghề an toàn phòng cháy chữa cháy” đã triển khai, các hộ sản xuất được tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng cháy chữa cháy cũng như có sự liên kết thông tin liên lạc để kịp thời thông báo sự cố cháy nổ, xử lý nhanh, hiệu quả ngay từ khi mới phát sinh”.

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền xã đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để các cơ sở sản xuất tự ý cải tạo, sửa chữa, cơi nới nhà xưởng, lắp đặt các máy móc thiết bị có phụ tải lớn khi không đảm bảo yêu cầu về đường điện, tuân thủ nghiêm công tác an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức huấn luyện diễn tập các phương án phòng cháy chữa cháy; khả năng sử dụng thiết bị chữa cháy và sẵn sàng ứng phó xử lý nhanh các tình huống chảy nổ xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Bá Dương – Phó trưởng công an xã Xuân Lai cho biết: “lực lượng công an xã phối hợp với các cấp ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thôn Xuân Lai nói riêng và trong toàn xã nói chung. Sự cố cháy nổ xảy ra bất ngờ và diễn biến rất nhanh nên kỹ năng xử lý sự cố ngay tại chỗ là đặc biệt quan trọng. Vì vậy công an xã đã tập trung vào phương châm “ phòng ngừa là chính” và triển khai “ 4 tại chỗ” trong công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; huy động sự vào cuộc tích cực của các hộ gia đình. Tuyên truyền nhắc nhở mỗi người dân cần nâng cao sự cảnh giác, ý thức phòng ngừa; thường xuyên kiểm tra đường điện tại xưởng sản xuất, khu nấu ăn của công nhân. Đặc biệt, lực lượng công an giám sát chặt chẽ việc xây dựng, cơi nới xưởng sản xuất; nếu chủ hộ đưa các loại máy móc công suất tiêu thụ điện lớn mà hệ thống đường điện không đảm bảo thì công an sẽ cùng chính quyền thôn, ngành điện lực vận động các hộ đó chỉ lắp đặt máy khi đảm bảo được quy định an toàn lưới điện.”

Hiện nay, làng nghề Xuân Lai có khoảng 250 hộ làm tre trúc và gần 500 hộ tham gia các công đoạn sản xuất, kinh doanh khẩu trang, may gia công. Tổng giá trị sản xuất của làng ước đạt 200 tỷ đồng mỗi năm. Trước nhu cầu cấp bách của làng nghề, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định số 247 ngày 3/6/2022 về việc xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Lai với diện tích 9,35 ha. UBND huyện Gia Bình cũng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho Cụm công nghiệp này; đây thực sự là tin vui đối với các hộ sản xuất. Sau khi hoàn thiện sẽ hình thành một cụm công nghiệp làng nghề có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đủ điều kiện để tiếp nhận các xưởng sản xuất di chuyển ra khỏi khu dân cư trong thôn. Qua đó, vừa đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, môi trường cũng như vấn đề phòng chống cháy nổ; vừa mở rộng và phát huy được các ngành nghề, nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ sản xuất và địa phương./.